Tiếp tục chuyến khảo sát thực tế tại một số nhà hàng, quán ăn, Phóng viên Tạp chí Đồ uống Việt Nam đã ghi nhận được nhiều ý kiến phản ánh về tình trạng vắng khách, nguy cơ đóng cửa của một số nhà hàng trên địa bàn Hà Nội.
Anh Ch, quản lý nhà hàng trên đường Láng cho biết: Kể từ khi Nghị định 100 quy định quản lý nồng độ cồn đi vào đời sống, nhà hàng chịu tác động rất lớn. Lượng khách tới quán giảm 50% so với trước kia. Thời điểm trước Tết, do nhu cầu liên hoan tất niên nên lượng khách tới quán tuy giảm hơn nhưng vẫn có, nhưng kể từ ra Tết đến nay, khách vào quán rất vắng, chỉ lác đác vài bàn ăn. Chúng tôi chỉ biết cầm cự chờ đợi xem có gì thay đổi hy vọng tình hình khả quan hơn. Nhà hàng cũng chưa có biện pháp gì cụ thể, chỉ biết chờ đợi và hy vọng. Mỗi ngày chỉ vài bàn như này không đủ chi trả, lỗ vốn thì chúng tôi không biết làm sao. Nếu cứ kéo dài như này, nhà hàng chỉ còn cách đóng cửa chứ không còn cách nào khác nữa.
Cũng trong hoàn cảnh ế ẩm khách, chủ một quán bia trên đường Nguyễn Khang buồn phiền nói: “Lượng khách giảm tới 60 – 70% từ sau khi có quy định siết chặt nồng độ cồn, khách sợ bị phạt nên không dám đến uống bia như trước đây. Từ trước Tết Nguyên đán, Nhà hàng đã treo biển giảm giá 10% trên tổng hóa đơn nhưng lượng khách vẫn không tăng lên. Sau Tết, lại có thêm dịch bệnh viêm phổi cấp (Covid – 19), mọi người lại càng sợ không dám ăn uống bên ngoài nên đã vắng nay còn vắng hơn. Hiện tại chúng tôi cũng chưa có biện pháp gì để kéo khách hàng trở lại, không biết nhà hàng còn cầm cự được bao lâu”.
“Lượng khách vắng, doanh thu không đủ chi trả tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên nên chúng tôi buộc phải cắt giảm nhân viên. Nếu như trước kia, trung bình nhà hàng có từ 10 đến 13 nhân viên, thời điểm cao điểm phải thuê thêm nhân viên thời vụ thì nay số lượng chỉ còn 1 nửa mà vẫn khó khăn chi trả tiền lương hàng tháng” – Đó là tâm sự của anh T, chủ nhà hàng lẩu nướng trên đường Chùa Láng.
Chủ quán bia hơi trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) than thở: Quán vắng lắm, mỗi ngày vài bàn ăn thôi. Ngày trước tầm trưa hoặc đầu giờ chiều là khách đến đông rồi nhưng bây giờ thì vắng vẻ lắm, lượng khách giảm 2/3 so với trước kia. Chúng tôi đã áp dụng giảm giá, trông xe qua đêm mà tình hình vẫn không khả quan là mấy. Buôn bán ế ẩm thế này thì cũng chán lắm chắc phải tìm phương án kinh doanh khác để lấy lại vốn.
Quản lý một nhà hàng ở Cầu Giấy ngán ngẩm vì cảnh vắng khách cho biết: Tôi thấy quán bia hơi, quán nhậu bình dân chịu tác động rất lớn, bởi khách hàng chủ yếu là người có thu nhập trung bình. Trước kia, hầu như khách đều tự đi xe máy đến uống, nay phải lựa chọn giữa việc ra quán ăn nhậu với việc bị phạt về nồng độ cồn thì họ chọn cách ở nhà cho lành. Vì thế, quán bia, quán nhậu vắng khách thảm hại, không trụ nổi. Còn nhà hàng thì lay lắt, cầm cự cũng không được bao lâu nữa. Nhà hàng tôi vừa phải cắt giảm 50% lao động phải nghỉ việc vì doanh thu bị giảm tới 70%. Trước đây, lương trung bình 7 triệu đồng/người/tháng, nay số lao động nghỉ việc không biết họ sẽ làm gì vì các nhà hàng đều khó khăn không nhận nhân viên mới.
Quản lý nhà hàng cho biết, theo tôi nên có quy định về ngưỡng nồng độ cồn cho phép vì mỗi người có thể trạng khác nhau, có nhiều người uống khoảng 1-2 cốc bia vẫn tỉnh táo, làm chủ được bản thân. Nếu duy trì quy định quản lý về nồng độ cồn như hiện nay thì các nhà hàng bia hơi, quán nhậu bình dân sẽ không trụ nổi, thực tế đã có một số nhà hàng có tên tuổi từ tết đến nay vẫn đóng cửa. “Để tồn tại, các nhà hàng phải có dịch vụ xe đưa đón khách tới ăn uống hoặc đầu tư nhà hàng cao cấp để phục vụ các đối tượng khách hàng có thu nhập cao sẵn sàng bỏ tiền ra đi taxi tới ăn uống” – người quản lý nhà hàng này đưa ra giải pháp.
Kim Anh
(Nguồn: Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam / Tạp chí Đồ uống Việt Nam)