+84 2253.837.257 | balpac@habeco.com.vn

Những quy định về mức xử phạt đối với người vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia Bình Luận

Từ 1-1-2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực. Dưới đây là một số quy định mới cần lưu ý.

Quy định các địa điểm không uống rượu, bia
Theo đó, các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia được quy định chi tiết, cụ thể: người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mãi rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập…
Ngoài ra, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 cũng đưa ra các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia. Trong đó, tập trung vào công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi, thay đổi thói quen uống rượu, bia của người Việt Nam. Đồng thời, điều 10 của Luật này cũng quy định các địa điểm không uống rượu, bia, gồm: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc; cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác; cơ sở bảo trợ xã hội; nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia và các địa điểm công cộng theo quy định của Chính phủ.
Uống rượu, bia: đi xe đạp cũng bị phạt
Đó là nội dung mới được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP nhằm hiện thực hóa quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn được nêu tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019. Nghị định 100/2019 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2020 và thay thế Nghị định 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Cụ thể, người nào uống rượu, bia (dù uống ít) mà điều khiển xe mô tô, xe gắn máy cũng bị xử phạt. Đối với người điều khiển ô tô, mức xử phạt cao nhất từ 30 – 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô, mức phạt từ 6 – 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ sẽ bị phạt từ 400.000 – 600.000 đồng.
Ngoài ra, để buộc người vi phạm nghiêm chỉnh nộp phạt, Nghị định 100/2019 quy định đối với xe vi phạm giao thông chưa nộp phạt, cơ quan đăng kiểm đưa vào cảnh báo phương tiện có vi phạm trên Chương trình quản lý kiểm định để khi phương tiện đến kiểm định, đồng thời thông báo cho người đưa phương tiện đến kiểm định biết về việc vi phạm. Cơ quan kiểm định vẫn thực hiện việc kiểm định theo quy định và cấp giấy chứng nhận kiểm định nhưng giấy chỉ có thời hạn hiệu lực 15 ngày. Đồng thời, nghị định bổ sung quy định không cấp đổi, cấp mới giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho cá nhân, tổ chức trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, như giấy phép lái xe, tránh tình trạng nhiều người bị giữ bằng lái đi làm lại bằng mới.
Đáng chú ý, Nghị định 100/2019 bổ sung quy định về việc sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm…

(Nguồn: Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam / Tạp chí Đồ uống Việt Nam)

Trả lời