Với đạo lý Uống nước nhớ nguồn, cùng với cả nước, Công ty CP Bao Bì Bia – Rượu – Nước giải khát (BALPAC) luôn coi trọng chính sách với người có công và thể hiện bằng những việc làm tri ân, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Vừa qua, BALPAC đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương – UBND phường Máy Chai (quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng) thực hiện Dự án xây dựng Nhà tưởng niệm di tích lịch sử Căng Máy Chai. Đây là Dự án có một phần mặt bằng được BALPAC hiến tặng và hiện đang được xúc tiến triển khai.
Theo UBND phường Máy Chai, Di tích Căng Máy Chai đã được công nhận xếp hạng Di tích lịch sử cấp Thành phố theo Quyết định số 734 ngày 11/5/2005. Bia tưởng niệm được đặt tại vị trí phía trong bờ tường, sát cổng ra vào của BALPAC tại số 38 đường Ngô Quyền, với diện tích khoảng 3m2 ngoài trời, có đặt một bia đá ghi lại di tích, một lư hương và 2 lọ lục bình để cắm hoa. Chính tại nơi đây, năm 1947, thực dân Pháp đã lập thêm nhà tù Máy Chai. Đây là nơi giam giữ và phân loại để chuyển tới Côn Đảo và Căng Đoạn Xá.
Nhà tù Căng Máy Chai có diện tích gần 2.000m2, chia làm 2 khu vực giam giữ. Một bên là nhà tù nam giới, diện tích gần 1.600m2. Một bên là nhà tù nữ giới, khoảng 200m2, chia làm 7 phòng, mỗi phòng khoảng 25m2, giam 120 nữ tù nhân, có lúc đông, nhét tới 160 người. Tại đây, tù nhân nữ phải sống trong chế độ nhà tù khắc nghiệt, bị tra tấn dã man, thực dân còn dùng thủ đoạn nhục hình tàn nhẫn, thâm độc như: quay điện, thay nhau hãm hiếp, rất nhiều chị em bị tàn tật, mắc chứng tâm thần,… Đặc biệt, một số chị em còn bị giặc thủ tiêu tại sông Cấm vào đêm 30/12 âm lịch năm 1950.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Máy Chai, Nhà tù Căng Máy Chai có quy mô, chức năng tương tự các nhà tù nổi tiếng trên đất nước ta, nhằm đầy ải, lung lạc ý chí chiến đấu, lòng trung thành với nhân dân, với Đảng, Tổ quốc của đồng bào, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang chủ lực và địa phương không may sa vào tay giặc. Thời gian qua, Di tích lịch sử Căng Máy Chai đã được Hội sử học Việt Nam tại Hải Phòng giám định theo văn bản số 65 ngày 29/3/2005 thuộc loại hình “Tố cáo tội ác chiến tranh”.
Để gìn giữ giá trị lịch sử, giúp mỗi chúng ta hồi tưởng lại cuộc sống đầy gian lao, thử thách của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ, đồng bào vượt qua lao tù khắc nghiệt xưa kia, đồng thời tố cáo tội ác chiến tranh của thực dân Pháp và giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ hôm nay, cán bộ, nhân dân địa phương mong mỏi sớm có được Nhà tưởng niệm liệt sỹ Căng Máy Chai khang trang, thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân đến thắp hương, tưởng niệm các chiến sỹ cách mạng đã hy sinh trên mảnh đất này. Nguyện vọng này thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tri ân người có công với cách mạng, đất nước và thực hiện nhu cầu tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc.
Chia sẻ về công tác chính sách thương binh liệt sỹ và Dự án xây dựng Nhà tưởng niệm liệt sỹ Căng Máy Chai, ông Nguyễn Văn Đọ – Giám đốc BALPAC cho biết: “Chính sách đối với thương binh và thân nhân liệt sĩ là CBCNV của Công ty, BALPAC có chế độ ưu tiên trong tuyển dụng và bố trí việc làm phù hợp. Bên cạnh đó, BALPAC cũng luôn duy trì tốt hoạt động mang tính truyền thống như tổ chức kỷ niệm ngày 27/7, tiếp xúc tặng quà các đối tượng chính sách thường niên,…
Đặc biệt, năm 2016, BALPAC đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện Dự án xây dựng Nhà tưởng niệm Di tích lịch sử Căng Máy Chai bằng việc hỗ trợ các hạng mục kiến tạo mặt bằng thực hiện Dự án để Nhà tưởng niệm sẽ sớm đi vào phục vụ các tầng lớp nhân dân theo dự kiến vào năm 2017…”.
(Nguồn: vba.com.vn)