Thế nào là làm việc không trọn thời gian?
Theo khoản 1 Điều 34 Bộ luật Lao động mới người lao động làm không trọn thời gian là người có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần.
Cơ sở để xác định khoảng thời gian này là các quy định của pháp luật, thỏa ước lao động hoặc của doanh nghiệp về quỹ thời gian làm việc bình thường trong ngày, trong tuần đối với từng loại công việc.
Ví dụ: Thời gian làm việc bình thường theo ngày là 8 giờ/ngày, nếu người lao động giao kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp để làm việc 6 giờ/ngày thì gọi là làm việc theo chế độ không trọn thời gian.
Tuy nhiên cần lưu ý đối với một số trường hợp người lao động làm việc ít hơn thời gian bình thường nhưng không được tính là làm việc không trọn thời gian.
Ví dụ: Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày ít nhất 60 phút trong giờ làm việc.
Quyền lợi của người lao động làm việc không trọn thời gian
Về nguyên tắc, theo khoản 3 Điều 34 Bộ luật Lao động 2012, những người lao động này được hưởng lương, quyền và nghĩa vụ như người làm việc trọn thời gian, được bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Tuy nhiên, cần phải hiểu cho đúng là tiền lương và các quyền lợi sẽ được tính tương ứng với thời gian làm việc và kết quả làm việc thực tế.
Ví dụ:
Anh A làm việc trọn thời gian với 8 giờ/ngày, 5 ngày/tuần ở vị trí nhân viên hành chính, mức lương 8 triệu đồng/tháng (trung bình 200.000 đồng/giờ).
Nếu anh B cũng làm công việc này theo chế độ không trọn thời gian (6 giờ/ngày, 5 ngày/tuần) thì lương của anh B sẽ là 6 triệu đồng/tháng (200.000 đồng/giờ).
Tùy vào điều kiện của mình mà người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc làm không trọn thời gian. Dù với hình thức làm việc nào thì quyền lợi của người lao động vẫn luôn được đảm bảo.
(Nguồn: luatvietnam.vn)